Ngành nội thất gỗ xuất khẩu được hưởng không ít ưu đãi nhờ mức thuế 0% ở nhiều thị trường lớn, nhưng chỉ một số ít doanh nghiệp phát triển thành công.
Giới nội thất trong nước từ lâu nổi lên cái tên AA Corporation, một doanh nghiệp chuyên triển khai dự án cung cấp nội thất gỗ cho nhiều khách sạn 5 sao và du thuyền du lịch. Công ty này cũng vừa hoàn thành dự án cải tạo nội thất gỗ cho khách sạn Park Hyatt Saigon hồi cuối tháng 10 vừa qua. AA cũng là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đưa sản phẩm gỗ mang thương hiệu của mình vào nhiều công trình xây dựng quốc tế, như các công trình của Accor, Sofitel hay Ritz Carlton ở châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông.
Vừa thiết kế, vừa cung cấp thiết bị nội thất gỗ bằng chính thương hiệu bản thân như AA không phải dễ. Có lẽ vì vậy mà nhiều doanh nghiệp nội thất gỗ của Việt Nam vẫn phải chịu kiếp gia công.
Ngành nội thất gỗ Việt Nam hiện vận hành theo 2 mô hình chính. Một là các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng. Hai là những công ty gia công nội thất đơn thuần. Trong đó, phần lớn vẫn đang hoạt động với quy mô nhỏ, chủ yếu làm gia công lợi nhuận thấp.
Thiết kế mở lối đi riêng
Cách đi của AA có thể được xem là bài học sống động cho các doanh nghiệp ngành này. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AA, tham gia vào thị trường nội thất từ khá sớm. Năm 1996, ông chủ trương phát triển AA theo hướng sản xuất đồ nội thất gỗ hợp đồng cho các dự án khách sạn ở nước ngoài, bên cạnh những hợp đồng thiết kế công trình, nhà ở và văn phòng trong nước.
Một điều bất ngờ là do tiềm năng thị trường Myanmar và Bhutan rất lớn, tương tự Việt Nam thời kỳ đầu mở cửa, nên ông Khanh nhanh chóng chớp thời cơ mở xưởng sản xuất tại Bhutan để giảm chi phí. Khi Myanmar được ví như Việt Nam vào những năm 1990, AA cũng quyết định đầu tư thêm nhà máy tại đây. Chiến lược mở rộng tại châu Á đã góp phần giúp AA đạt doanh thu xuất khẩu nội thất gỗ khoảng 75 triệu USD. Và Công ty đang đặt mục tiêu đến năm 2018 sẽ đạt doanh thu 200 triệu USD.Kiên trì “toàn cầu hóa” và tự đóng mác AA trong suốt một thời gian dài, đến năm 2015, công ty này đã cung cấp sản phẩm cho hơn 1.000 công trình trên toàn cầu. Năm nay, khi tăng trưởng của ngành xuất khẩu nội thất gỗ trong nước đạt trung bình chỉ 15%, AA đã có mức tăng đến 28%. Trong giai đoạn các công trình lớn tại châu Âu gặp khó khăn bởi khủng hoảng kinh tế (năm 2010), ông Khanh đã chủ động tìm đến các thị trường ngách ở châu Á như Myanmar và Bhutan để tạo nên những đòn bẩy tăng trưởng mới.
Tuy nhiên tại Việt Nam, mô hình kinh doanh giống như AA chưa phổ biến do nhiều yếu tố. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết không có một con số thống kê đầy đủ về những doanh nghiệp xuất khẩu nội thất gỗ có thiết kế riêng hoặc xuất khẩu bằng thương hiệu riêng như AA. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu nội thất gỗ quy mô khác vẫn đang nỗ lực “đi bằng 2 chân”: vừa làm đơn hàng gia công cho đối tác ngoại, vừa thử nghiệm chào đơn hàng bằng thiết kế riêng.
Thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam |
Có thể kể đến Công ty Cổ phần Mỹ thuật Gia Long, doanh nghiệp tốp đầu về thủ công mỹ nghệ và đang lấn sân sang lĩnh vực sản xuất nội thất gỗ. Trong Hội chợ Đồ gỗ và Trang trí Nội thất Việt Nam vừa qua, Gia Long đã bất ngờ trưng bày một số bộ sản phẩm nội thất gỗ do chính Công ty thiết kế và được các khách hàng từ châu Âu đánh giá cao. Dù là “tân binh”, nhưng ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty Gia Long, vẫn cho rằng thị trường còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là những doanh nghiệp có thiết kế riêng. “Giá trị thiết kế chiếm 50-60% giá thành sản phẩm. Điều đó lý giải vì sao những sản phẩm có thiết kế riêng thường tạo được biên lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp”, ông Tiến cho hay.
Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tự thiết kế sản phẩm riêng như AA hay Gia Long. Bài toán này đã được HAWA giải quyết nhiều năm nay, thông qua việc mở các khóa huấn luyện thiết kế cho doanh nghiệp, nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn. Thế nên, những doanh nghiệp sản xuất nội thất gỗ như Scansia Pacific hay Minh Phát đã chọn cách đi riêng là sản xuất theo thiết kế chủ yếu từ Đức, Đan Mạch.
Tương tự, phần lớn các doanh nghiệp nội thất Việt đều chủ động thuê thiết kế nước ngoài, vì thiết kế trong nước không đạt như mong muốn. Từng thuê chuyên gia Malaysia sang thiết kế mẫu mã, nhưng Công ty Minh Phát vẫn chưa thoát khỏi cảnh làm gia công. Lý do là chi phí thuê thiết kế nước ngoài quá đắt và doanh nghiệp không phải lúc nào cũng thành công khi chào mẫu tự thiết kế cho khách hàng.
Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu nội thất có quy mô nhỏ, chủ yếu làm gia công với lợi nhuận thấp – Ảnh: doanhnhansaigon.vn |
Cũng có một doanh nghiệp (không muốn nêu tên) lại chủ động tìm đến thiết kế ngoại bằng việc liên kết với một doanh nghiệp nội thất Mỹ. Doanh nghiệp Mỹ này sẽ chịu trách nhiệm thiết kế mẫu, chào hàng. Phía Việt Nam chỉ cần sản xuất sản phẩm và đóng thương hiệu của riêng mình. Công ty Việt Nam sẽ trả phí 10% giá bán cho phía Mỹ trên mỗi sản phẩm bán ra (2-4% giá trị thiết kế và 5% hoa hồng). Cách làm này mang đến lợi nhuận cao hơn nhiều so với việc chỉ gia công đơn thuần. Mô hình liên kết sản xuất như vậy đang mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp Việt, mở ra xu hướng mới thiết kế sản phẩm mang thương hiệu riêng.
Gia công có bất ổn?
AA, Gia Long và Minh Phát đều là những doanh nghiệp điển hình nỗ lực mở lối đi riêng, trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu nội thất gỗ khác của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cảnh làm gia công.
Nói đến gia công, chắc chắn phải kể đến bài học của Công ty Minh Dương. Với tỉ lệ tăng trưởng giá trị xuất khẩu bình quân 13%/năm, đây là một trong những công ty gia công có tốc độ phát triển mạnh trong năm 2015, sau gần 2 thập niên tồn tại. Ban đầu, Minh Dương gia công sản phẩm cho một đối tác Hàn Quốc, vốn có thị trường đầu ra nhưng không có xưởng sản xuất. Năm 2007, Công ty mở rộng sản xuất lên quy mô 4 nhà máy với tổng vốn điều lệ 65 tỉ đồng. Hiện Minh Dương đã có 7 xưởng sản xuất, 2.000 công nhân phục vụ cho thị trường Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Ðiều đáng nói là các công ty gia công như Minh Dương dù có quy mô lớn, trung thành với việc gia công, nhưng vẫn phải chịu biên lợi nhuận thấp, thậm chí luôn đối mặt với không ít rủi ro. Chẳng hạn, khi kinh tế châu Âu bất ổn, các doanh nghiệp khu vực này cũng e dè trong việc nhập khẩu. Thế là các doanh nghiệp Việt buộc phải chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất bị đội lên. Nhiều doanh nghiệp còn “nhắm mắt” chịu rủi ro trong thanh toán khi phải cho nhà nhập khẩu trả sau.
Không chỉ có vậy, thị trường gia công cũng tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước. Thông thường, nhà nhập khẩu sẽ đưa mẫu thiết kế cùng lúc đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam để đấu thầu. Và họ sẽ so sánh về giá để quyết định chọn thầu. Đó cũng là lý do trong cuộc cạnh tranh về giá khốc liệt này, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp gỗ nội thất gia công chỉ đạt mức 5-7%.
Trong cuộc cạnh tranh về giá khốc liệt, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp gỗ nội thất gia công chỉ đạt mức 5-7% – Ảnh: 123RF |
Hướng đi mới từ gỗ nhân tạo
Các công ty nội thất kể trên, cả gia công lẫn xuất khẩu thương hiệu, đa phần đều sử dụng gỗ có nguồn gốc tự nhiên. Trong khi đó, đã xuất hiện những gương mặt doanh nghiệp mới với sản phẩm từ gỗ nhân tạo mang lại giá trị cao, mở ra thêm một hướng đi khác cho ngành.
Công ty Gỗ An Cường là một ví dụ. Ban đầu, công ty này chỉ cung cấp nguyên liệu gỗ. Nhưng về sau, họ cũng lấn sân xuất khẩu nội thất gỗ vào Mỹ và Canada. Ông Lê Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc An Cường, cho biết từ năm 2014, Công ty đã đầu tư 3-5 triệu USD cho nhà máy chế biến gỗ nhân tạo (gỗ công nghiệp).
Tại Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp dùng gỗ công nghiệp trong sản xuất nội thất. Nhưng xu hướng dùng gỗ nhân tạo lại đang được các nước lân cận như Thái Lan hay Malaysia ứng dụng để đưa hàng vào Mỹ và châu Âu, tạo ra tỉ suất sinh lời cao. “Đây cũng được xem là một hướng đi giúp doanh nghiệp Việt tránh được những quy định ngặt nghèo về truy xuất nguồn gốc xuất xứ”, ông Nghĩa nói.
Theo quy định, khi xuất khẩu sản phẩm nội thất gỗ, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc khai thác từ cánh rừng nào, là gỗ rừng trồng hay gỗ tự nhiên. Doanh nghiệp Việt hiện nhập khẩu gỗ nguyên liệu tự nhiên chủ yếu từ Mỹ, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Phi. Còn nếu sử dụng gỗ nguyên liệu nhân tạo từ nguồn rừng trồng, nhà sản xuất sẽ tránh được rủi ro pháp lý khi xuất khẩu sản phẩm.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, gỗ nguyên liệu trong nước chủ yếu là gỗ trồng cao su, được chứng nhận là gỗ rừng trồng hợp pháp. Hiện Việt Nam cũng đã có những nhà máy sản xuất gỗ nhân tạo lớn của các tập đoàn nước ngoài như Sumitomo (Nhật) ở Long An hay liên doanh Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tập đoàn Dongwha (Hàn Quốc) tại Bình Phước.
Có thể nói, ngành sản xuất và xuất khẩu nội thất gỗ của Việt Nam vẫn còn tiềm năng và các doanh nghiệp đang có ưu thế lớn, với mức thuế suất được ưu đãi là 0%. Dù vậy, ngành này sẽ luôn bị tác động bởi sức khỏe kinh tế vĩ mô của thị trường xuất khẩu. Ðã có không ít nhà máy sản xuất nội thất gỗ quy mô lớn trên thế giới phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc đóng cửa, chỉ vì phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường nhất định.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA, cho rằng tiềm năng của các doanh nghiệp Việt còn nhiều và khả năng nâng cao thị phần xuất khẩu là rất khả quan. “Hiện tại, chúng ta mới chỉ chiếm 2,68% trong con số 100 tỉ USD xuất khẩu nội thất gỗ toàn thế giới. Nhưng muốn thành công, việc giải bài toán đầu tư chuyên nghiệp của từng công ty vẫn sẽ là đòi hỏi tiên quyết”, ông kết luận.