“Ông trùm” ngành gỗ kể chuyện cải tử hoàn sinh

Từng là doanh nghiệp gỗ hàng đầu trong nước và xuất khẩu, Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đã có thời đứng trước bờ vực phá sản khi phải gánh số nợ lên tới 1.000 tỉ đồng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn ngủi, Gỗ Trường Thành đã “sống lại” và có sự tăng trưởng mà ít ai ngờ tới.

Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Gỗ Trường Thành cho thấy công ty đạt doanh thu thuần 410 tỉ đồng chỉ riêng quý III/2015, tăng 100 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái và lãi gộp gần 131 tỉ đồng (so với con số cùng kỳ chỉ 76,5 tỉ đồng). Chi phí tài chính trong quý III của doanh nghiệp này cũng giảm rất mạnh, từ 23 tỉ đồng xuống chỉ còn 2,5 tỉ đồng. Lãi sau thuế của công ty đạt 101 tỉ đồng, nâng mức lũy kế 9 tháng đầu năm lên gần 218 tỉ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cũng đạt 2.091 đồng/cổ phiếu.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm, Gỗ Trường Thành đã vượt mức 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm, cho thấy những bước đi khả quan của quá trình tái cấu trúc giúp hoạt động kinh doanh ngày càng khởi sắc, tăng trưởng bền vững hơn. Những khó khăn về dòng tiền và áp lực từ lãi vay ngân hàng đã không còn là gánh nặng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đã tăng từ 85 tỉ đồng hồi đầu năm đã tăng lên tới 246 tỉ đồng trong quý III.

Anh Nguyễn Văn Hùng, một nhà đầu tư đang nắm giữ khoảng 6.000 cổ phiếu của Gỗ Trường Thành, cho biết khoảng năm 2008 trước thời điểm DN này chuẩn bị niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE, anh và nhóm bạn đã mua một lượng lớn cổ phiếu của DN này. Thời điểm đó, mã cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ còn lên cao hơn nữa sau khi lên sàn. Tuy nhiên, sau đó Gỗ Trường Thành gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, cổ phiếu rớt thảm khiến anh Hùng và nhóm bạn đã phải bán tháo. Gia đoạn khó khăn nhất, giá cổ phiếu TTF chỉ còn khoảng 4.000 đồng.

“Bán một nửa, đến khi còn khoảng 6.000 cổ phiếu thì tôi quên luôn. Gần đây thấy Gỗ Trường Thành hoạt động kinh doanh khả quan nhưng không nghĩ giá cổ phiếu lại tăng mạnh vậy” – anh Hùng chia sẻ.

Nhờ kết quả kinh doanh lạc quan, cổ phiếu của Gỗ Trường Thành (mã TTF) đã tăng mạnh trong nửa năm qua, từ khoảng 9.000 đồng/cổ phiếu lên tới hơn 23.000 đồng/cổ phiếu.

 


Gỗ Trường Thành từng có thời kỳ đứng trước bờ vực phá sản vì nợ và chiến lược đầu tư không hiệu quả

Gỗ Trường Thành từng có thời kỳ đứng trước bờ vực phá sản vì nợ và chiến lược đầu tư không hiệu quả

 

Chia sẻ về quá trình nỗ lực vươn lên từ nguy cơ kiệt quệ, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty, cho biết khoảng 2 năm trước khoảng (giai đoạn 2013) TTF là tập đoàn gồm 1 công ty mẹ và 14 công ty con đã gặp rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ việc, trong giai đoạn trước đó thị trường chứng khoán đang phát triển, các công ty niêm yết như TTF huy động vốn trên sàn khá dễ dàng nên đã sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Khoản nợ vay ngân hàng của TTF thời điểm đó lên tới 1.900 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 1.000 tỉ đồng. Nhiều khoản vay có lãi suất cao ngất ngưởng 10%, thậm chí 20%/năm khiến doanh nghiệp bị hụt vốn, có thời điểm lượng mặt để công ty duy trì hoạt động chỉ vỏn vẹn 2 tỉ đồng.

“Dù tỉ lệ đòn bẩy tài chính này so với các DN khác, nhất là các tập đoàn tổng công ty nhà nước không cao nhưng trong bối cảnh lãi suất NH tăng cao phi mã với chính sách thắt chặt tiền tệ khiến chi phí tài chính quá lớn và chúng tôi bị kiệt quệ. Chưa kể, thị trường nước ngoài cũng xấu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm” – ông Thành nhớ lại.

Trước tình hình này, Gỗ Trường Thành đã tiến hành đồng thời các giải pháp: gặp gỡ thương lượng các ngân hàng để chấp thuận việc khoanh giãn nợ, đồng thời phát hành vốn chủ cho những cổ đông. Sau nhiều lần đàm phán, TTF đã nâng vốn điều lệ lên 1.400 tỉ đồng, dư nợ còn khoảng 900 tỉ đồng. Có thể nói rằng, trạng thái tài chính của DN đã được thay đổi đáng kể.

Một sai lầm khác, theo ông Võ Trường Thành, do trước đây DN nghĩ đến việc phát triển bền vững nên đầu tư nhiều vào vấn đề trồng rừng. TTF đã trồng rừng nhiều hơn tốc độ chế biến gỗ của mình, với suy nghĩ giúp DN có thể kinh doanh bền vững hơn và có trách nhiệm với cộng đồng, sinh quyển và đời sống của người dân… “Những bước đi dài hạn này lại có vẻ không thích hợp trong bối cảnh lãi suất quá cao nên chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn” – ông Thành cho biết.

Nhưng đến hôm nay, chính nhờ việc trồng rừng quy mô lớn và bắt đầu tới thời điểm khai thác đang mở ra cơ hội rất lớn cho TTF trong tương lai, khi các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết.

Với ngành gỗ, đang có làn sóng dịch chuyển đơn hàng rất lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam, cộng thêm các DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam sẽ chuyển từ gỗ nhập khẩu sang thu mua gỗ nguyên liệu trong nước (nhằm đáp ứng yêu cầu về xuất xứ). Khi đó, với khoảng 14.000 ha rừng tự trồng bắt đầu đến giai đoạn khai thác, sẽ đem về cơ hội rất lớn cho Trường Thành.

Related news